Nguyễn Phương Nam
Ngày đăng: 21/11/2019
Ngày cập nhật: 18/10/2021
Ngày đăng: 21/11/2019
Ngày cập nhật: 18/10/2021
Tác giả: Web Long
Danh hiệu cao quý Honor Student của khối 11 năm học 2018 – 2019 đã gọi tên Nguyễn Phương Nam (11A3) – chàng trai luôn có mặt trong mọi hoạt động ngoại khoá của FSchool, đánh đâu thắng đó, ẵm vô số giải thưởng. Đằng sau 1 anh chàng Phương Nam lúc nào cũng chạy đua với deadline, sống căng mình trọn vẹn từng tích tắc còn có 1 Phương Nam với những khía cạnh rất khác.
Duyên… thầy bói đưa đẩy Phương Nam đến FPT School
Trước khi học tại FSchool, Phương Nam là một cậu bé khá nhút nhát, ít nói và ngại giao tiếp, Nam gần như không muốn tham gia các hoạt động và tiếp xúc với mọi người. Bạn cũng từng có thời gian ham mê điện tử dẫn đến chểnh mảng học hành vào năm lớp 6, lớp 7. Phương Nam đã tìm hiểu về trường cấp III FPT trong thời gian căng thẳng và mệt mỏi nhất khi đang chờ điểm thi vào 10. Trải qua khoảng thời gian ôn thi cật lực cùng những ngày dài ăn không ngon ngủ không yên vì chờ điểm thi, Nam đã được đền đáp xứng đáng khi đỗ vào trường THPT Phạm Hồng Thái, nhưng đến “phút cuối” Nam lại “trót yêu” THPT FPT mất rồi.
Gia đình Nam đã tìm hiểu rất kỹ về môi trường nội trú ở THPT FPT tuy nhiên vẫn còn một chút băn khoăn vì kinh tế của gia đình không phải quá thoải mái, nếu Nam theo học tại FSchool thì chi tiêu của cả nhà sẽ có chút gò bó. Sau cùng bố mẹ cũng đồng ý với nguyện vọng của Nam, quyết định đó được đưa ra khi cả nhà đã cân nhắc rất kỹ lưỡng nhiều lý do nhưng trong đó cũng có 1 lí do nhỏ khá… tâm linh.
“Em quyết định học tại FSchool một phần là do em không hợp mệnh bố. Mẹ và bà em đều là những người tin vào tâm linh. Mẹ em đi xem bói và được bảo em ở gần bố mẹ thì sẽ khó phát triển được dù hai bố con rất thân thiết, hoà hợp. Nếu học xa nhà thì cả mệnh bố và mệnh con sẽ đều tốt hơn.”
Chẳng biết có phải do mệnh hay không mà từ khi đi học FSchool Nam cũng “phất” hơn thật. Lớp 10, lớp 11 Nam đều giành được học bổng của trường nên đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho bố mẹ. Mỗi năm học đều là quãng thời gian đầy ắp trải nghiệm, những cuộc dấn thân đầy thú vị và thử thách, nhờ đó Nam khai phá những tiềm năng của bản thân, định hình tính cách, tư duy.
Ai bảo FSchool học hành nhẹ nhàng, còn học ngoài sách ngoài vở, học 24/24 ấy chứ
Từ ngày bắt đầu học nội trú tại FSchool, Nam luôn tham gia tích cực các CLB, các hoạt động ngoại khoá. Đối với Nam những hoạt động này không chỉ giúp bạn phát triển toàn diện, làm giàu vốn sống, mà còn là những “phép thử” xem năng lực của mình tới đâu, điều gì thực sự phù hợp với bản thân mình, đồng thời mở ra nhiều cơ hội.
Hồi cấp II, Nam đã học piano, nhưng học nội trú III FPT thì chỉ có cây piano điện, không thể thường xuyên tập luyện, Nam thử sức với những “món” mới. Bạn tham gia Tạch tạch (CLB Nhiếp ảnh), Gác Xép (CLB âm nhạc), IDo (CLB thiện nguyện), tham gia đội thi robotics… Chàng trai đa-zi-năng không chỉ chụp ảnh giỏi, hát hay mà còn có niềm đam mê bất tận với sự kiện, công nghệ và lập trình.
Vào mùa tuyển sinh từ tháng 2 đến tháng 5, Nam cũng dành mỗi sáng chủ nhật hàng tuần trở thành cộng tác viên dẫn đoàn học sinh và phụ huynh tham quan khuôn viên trường. “Thay mặt cho trường THPT FPT, cháu xin được chào mừng các cô chú đến với FSchool ngày hôm nay. Cháu là Nguyễn Phương Nam, học sinh khóa 5 của trường, sẽ đồng hành cùng các cô chú trong Hòa Lạc Campus Tour ạ.” – Phương Nam luôn tự hào khi cất lời chào đón các vị khách đến thăm trường.
Bên ngoài trường, Nam còn tham gia tổ chức CKP – tổ chức về giáo dục sáng tạo – kích thích tư duy sáng tạo cho các em nhỏ có độ tuổi từ 11 đến 15 tuổi; làm mentor hướng dẫn các em nhỏ về robotics tại Panasonic Risupia, Maker Hanoi.
Nói về việc học, Nam khá bất ngờ khi vào FSchool, con đường học tập rẽ sang một hướng khác so với guồng quay bạn đã theo từ cấp 1, cấp 2: “Thầy cô ở đây dạy theo phương pháp rất mới, mục tiêu mà các thầy cô FPT School muốn đạt được chính là để học sinh tự tìm ra được những thứ mình muốn và phát triển nó chứ không phải chỉ học lý thuyết ngày đêm để đạt điểm tối đa như em học trước. Thầy cô ở đây rất tâm huyết và gần gũi với học sinh.”
Không chỉ học kiến thức, Nam học cách… tự học, đâu chỉ học từ thầy cô, sách vở, Nam học từ bạn bè, trải nghiệm nhiều hơn: “Em thấy nếu chỉ học lý thuyết không thì những kiến thức đó cũng sẽ không áp dụng được cho mình sau này. FPT School dạy những kỹ năng sống và nó giúp ích cho công việc tương lai. Những sự kiện và hoạt động mà trường tổ chức cho chúng em không chỉ mang ý nghĩa giải trí, có những hoạt động rất thú vị và rèn luyện tư duy sáng tạo cho học sinh, mang lại cho chúng em rất nhiều trải nghiệm và kinh nghiệm quý báu. Cuộc sống nội trú cũng khiến em học được cách sống, cách giải quyết các vấn đề xã hội, dạy chúng em cách tự lập, dạy bọn em nếu muốn làm được việc này thì cần phải làm gì, cần phải bắt đầu từ đâu; nếu không có bố mẹ bên cạnh thì phải sống ra sao, ăn cái gì, chi tiêu như thế nào.”
Lựa chọn môi trường tự lập khi mới 15 tuổi, đánh đổi những khoảnh khắc quý giá bên gia đình, chuyển tới sống tại “ngôi nhà” nội trú cách trung tâm Hà Nội gần 35km, Nguyễn Phương Nam thừa nhận bản thân mình đã thay đổi rất nhiều, trở nên chủ động hơn trong tất cả mọi việc, khác với 1 Phương Nam ngại ngần, rụt rè trước kia: “Tác động chính khiến em thay đổi bản thân có lẽ là do các bạn ở đây, các FSchoolers luôn chủ động, sáng tạo, các bạn có tư duy độc lập và cực kì năng động, các bạn phát triển toàn diện theo hướng thiết thực. Khi gặp sự cố bát canh có con sâu, mất đồ… thì học sinh FSchool sẽ tự xử lý chứ không phải gọi bố gọi mẹ.”
Từ FPT School bước ra thế giới
Chẳng những bước vào môi trường đa văn hoá, sống cùng bạn bè đến từ khắp các tỉnh thành trong cả nước, FSchool còn mở ra những cơ hội giao lưu quốc tế, giúp Nam tiếp xúc với bạn bè năm châu.
Mùa hè lớp 10, Nam đã trở thành 1 trong những đại diện của trường THPT FPT cũng như của Việt Nam tham gia chương trình giao lưu văn hóa với các ngôi trường trong khu vực Đông Nam Á. Sự trưởng thành, thông minh, bản lĩnh và bản sắc dân tộc của các FSchooler đã để lại ấn tượng sâu sắc với bạn bè ASEAN.
Tuy nhiên dấu ấn quan trọng nhất trên những chặng đường “go global” của Nam là khi cậu bạn cùng 3 FSchooler đại diện Việt Nam tham gia cuộc thi robotics toàn cầu First Global Challenge tại Mexico. Tại đây Phương Nam đã làm việc, thi đấu cùng bạn bè đến từ khắp nơi trên thế giới, team Việt Nam xuất sắc giành Huy chương Đồng về thiết kế robot và đứng thứ hạng 12/168 chung cuộc.
“Cái khác biệt nhất mà em thấy ở bạn bè quốc tế là tư duy phản biện, biết quản lý cảm xúc và suy nghĩ độc lập. Được tiếp xúc với các bạn ở châu Mỹ, châu Âu và đặc biệt là châu Phi, em nhận thấy các bạn đều có chung 1 mục tiêu là thay đổi và phát triển thế giới. Ngoài ra em cũng hiểu thêm 1 điều: không thể chỉ nhìn vào bạn đến từ 1 đất còn nghèo đói, còn chiến tranh mà có thể coi thường, các bạn đều có nhiều điểm vượt trội mà em cần học hỏi.” – Nam cho biết.
Ngày 16/03/2019 vừa qua, bạn cũng vinh dự là 1 trong những học sinh đại diện cho trường đón tiếp đoàn du học sinh Nhật Bản. Hiện tại Nam cũng đang cùng team Việt Nam chuẩn bị cho cuộc thi Robotics thế giới diễn ra tại Dubai.
Những hoạt động tham gia trao đổi học sinh nước ngoài đã làm thay đổi thế giới nhận thức nhân sinh quan trong Nam. Đối với một học sinh lớp 11, đây không chỉ là những trải nghiệm cọ xát đáng giá, mà nó giúp Nam hiểu được vị trí mình ở đâu trong xã hội, trong thế giới này, những mong muốn của bản thân mình là gì, mài giũa tư duy phản biện, phân tích và xử lý tình huống. Mỗi chuyến đi là một lần Nam thấy bản thân mình trưởng thành, lớn hơn một chút.
Những suy tư tuổi 17
Tham gia nhiều hoạt động nhưng Nam lại không phải là người ồn ào, thích sự xô bồ, kể cả lúc vội vã cậu bạn vẫn giữ cách nói chuyện từ tốn, điềm đạm, nhìn nhận mọi thứ bằng con mắt soi chiếu, phân tích. Ở Nam có sự điềm tĩnh, có chiều sâu suy tư phần nào già dặn trước tuổi.
Điều đó thể hiện ngay trong suy nghĩ của Nam về việc chọn ngành, chọn nghề. Giành giải quốc tế về robot là thế nhưng khi được hỏi về định hướng nghề nghiệp, bất ngờ sao khi Nam cho biết bạn không đi theo Công nghệ thông tin mà chọn ngành Marketing để theo đuổi. “Lập trình, chụp ảnh, ca hát, giao tiếp… đều là những thứ hữu ích cho Marketing, em trải nghiệm để thử sức mình đồng thời cũng là để trau dồi cho công việc sau này.”
Hay khi bàn về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái ở tuổi teen, rộng hơn là giáo dục ở tuổi 15 cậu bạn cũng đúc kết những suy ngẫm của mình. Nam cho rằng không chỉ có học tập, ở tuổi này các bạn cần bố mẹ, nhà trường định hướng ba vấn đề quan trọng.
Thứ nhất là định hướng về nghề nghiệp. Chỉ cần theo dõi con có sở thích nào thì nhà trường và phụ huynh nên định hướng luôn, xem để phát triển được sở thích đó thì cần điều gì, cho các bạn trải nghiệm dần để xác định mức độ phù hợp và yêu thích.
Thứ hai là định hướng về tâm lý: Những bạn được hướng về tâm lý từ trước khi gặp các tình huống khó khăn sẽ xử lý tốt hơn, hạn chế ảnh hưởng từ những luồng tư duy lệch lạc của xã hội. Cha mẹ nên chuẩn bị trước cho con tâm lý khi con gặp những rắc rối khi bước vào tuổi trưởng thành.
Thứ ba là định hướng về trải nghiệm sống: Cái này có thể nghe hơi lạ lạ nhưng ở tuổi 15 là giai đoạn định hình con người xã hội, học sinh cần tích lũy kinh nghiệm cuộc sống về mặt như xử lí tình huống, tư duy chủ động, tự lập, phản biện, phân tích & quản lý cảm xúc… từ đó có cách nhìn nhận mọi mặt trong cuộc sống một cách đúng mực, tích cực. Nếu chỉ tập trung vào sách vở xa rời đời sống thì đến ngưỡng cửa đại học sẽ lúng túng, hoang mang.
Kết
Cải thiện kỹ năng giao tiếp bằng hoạt động tình nguyện, mài giũa sự tin tin bằng những cuộc thi quốc tế, phát triển tài năng nhờ các CLB, rèn tính tự lập bằng cuộc sống nội trú… Phương Nam đang từng bước ý thức về những hành trang cần chuẩn bị cho tương lai và nhanh chóng trau dồi, phát triển bản thân.
Người ta hay nói, học sinh chỉ cần ăn và học. Người ta nghi ngờ liệu một cậu học sinh cấp 3 ngoài việc học kiến thức thì có thể làm được gì? Câu chuyện của Phương Nam chính là một câu trả lời rõ nét nhất.
Chuyên mục:
Tin cùng chuyên mục