Phòng ngừa bạo lực học đường trên cơ sở giới – Chạm đến nhận thức, Khơi dậy thấu cảm

Ngày đăng: 21/05/2025

Ngày cập nhật: 21/05/2025

Sáng ngày 12/5, tại FPT School Bắc Từ Liêm, các bạn học sinh đã có cơ hội tham gia một buổi giao lưu chuyên đề đầy ý nghĩa với Tiến sĩ – Giảng viên chính Nguyễn Đỗ Hương Giang, hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh & Truyền thông, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên (TUAF).

Với chủ đề “Phòng ngừa bạo lực học đường trên cơ sở giới”, buổi giao lưu không chỉ mang tính thời sự mà còn là một lát cắt sâu sắc về giáo dục nhân văn. Tại đây, các bạn học sinh đã cùng nhau khám phá những góc khuất tinh vi của định kiến giới, nơi mỗi ánh nhìn, lời nói hay hành vi tưởng chừng vô hại cũng có thể trở thành mảnh ghép tạo nên bạo lực học đường – một cách vô hình nhưng để lại tổn thương rất thật.

 

Bạo lực học đường trên cơ sở giới – không còn là khái niệm xa vời

Trong môi trường học đường, nơi đáng lẽ an toàn và công bằng, vẫn tồn tại những hành vi mang định kiến giới, đôi khi rất tinh vi và khó nhận diện. Từ những ánh nhìn, lời trêu đùa vô tình đến các biểu hiện loại trừ, kỳ thị – tất cả đều có thể là những mảnh ghép tạo nên bạo lực học đường trên cơ sở giới.

Với kiến thức chuyên môn sâu rộng và góc nhìn đầy nhân văn, cô Giang đã mang đến một buổi chia sẻ không chỉ giúp học sinh hiểu rõ hơn về các khái niệm như định kiến giới, bất bình đẳng giới trong môi trường học đường mà còn khơi gợi cảm hứng để các em nhìn nhận đúng – đủ – sâu về những hình thức bạo lực tinh vi, tự trang bị cho mình kỹ năng nhận diện, phòng tránh và dũng cảm lên tiếng khi cần thiết. Quan trọng hơn, cô đã giúp các em hiểu rằng mỗi người đều có thể góp phần xây dựng một môi trường học đường an toàn, công bằng và đầy thấu cảm. Buổi trò chuyện không dừng lại ở việc “nghe”, mà thực sự đã đánh thức sự suy ngẫm và thúc đẩy thay đổi từ bên trong mỗi học sinh.

Học sinh nói gì sau buổi giao lưu?

Ngô Gia Thái – Lớp 10B2:
“Sau buổi chia sẻ, em nhận ra có những lời nói hay hành động mình từng nghĩ là vô hại, lại có thể khiến người khác tổn thương sâu sắc. Em sẽ cẩn trọng và thấu cảm hơn khi giao tiếp.”

Dương Tài Đức – Lớp 10B2:
“Chúng em học được cách lắng nghe không chỉ bằng tai, mà còn bằng trái tim.”

Lê Thục Hiền – Lớp 10B2:
“Chỉ cần dám đứng lên nói ‘Đừng trêu bạn nữa’ – đôi khi đã có thể thay đổi rất nhiều. Em sẽ tập can đảm hơn.”

FPT School Bắc Từ Liêm tin rằng, việc “đong đầy ống heo tình cảm” mỗi ngày bằng sự tôn trọng và yêu thương không chỉ là một bài học đạo đức – mà là hành trình xây dựng mái trường an toàn, công bằng và đầy thấu cảm.

Bạo lực giới không dễ nhận diện, nhưng mỗi hành động tử tế – dù nhỏ – đều có sức mạnh tạo nên sự thay đổi lớn. Và chính học sinh là những người nắm giữ chìa khóa để biến điều đó thành hiện thực.

 

 
 

 

Ngày đăng: 21/05/2025

Ngày cập nhật: 21/05/2025

Tác giả: tambt

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh

Tin cùng chuyên mục